Lượt xem: 559

Nhiều diện tích mía huyện Cù Lao Dung đứng trước nguy cơ mất trắng

Niên vụ mía 2019-2020 của nông dân Cù Lao Dung đã kết thúc, khi Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng (đơn vị thu mua chính diện tích mía của nông dân Cù Lao Dung) đã thông báo ngưng thu mua. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 150 ha mía của nông dân xứ cù lao đứng trước khả năng mất trắng, phải đốn bỏ vì không tiêu thụ được và để chuẩn bị cho một mùa vụ mới.

 

    Theo chia sẻ của các hộ dân trồng mía ở Cù Lao Dung, những năm trở lại đây, giá mía đường xuống thấp, sức thu mua của Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng cũng chỉ ở mức cầm chừng, nhiều diện tích nằm ở giáp đường lộ, thuận tiện cho giao thông đã dần chuyển sang trồng mía nước (loại mía ép lấy nước uống). Tuy nhiên, cũng chỉ sau vài năm chuyển đổi thuận lợi, trong niên vụ 2019-2020 này, người trồng mía nước trên địa bàn huyện Cù Lao Dung lại rơi vào “vết xe đổ” của cây mía đường khi mà đã kết thúc vụ mía mà nhiều diện tích vẫn chưa được thu hoạch, thương lái chỉ thu mua ở mức cầm chừng. Còn với nông dân, giờ chờ thương lái cũng không được mà hủy hợp đồng đã ký cũng không xong, mà mía thì càng ngày cứ khô dần nên giờ đành chờ mía chết khô, để đốn bỏ.


Nhiều diện tích mía trên địa bàn huyện Cù Lao Dung vẫn chưa được thu hoạch dù đã kết thúc niên vụ mía 2019-2020. Ảnh Chanh Đa

    Nhiều nông dân cho biết, khoảng một tháng tới, nếu những diện tích mía không kịp thu hoạch thì cũng phải đốn bỏ để chuẩn bị làm đất xuống giống vụ mới. Chị Đặng Thị Cẩm Giang - ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1 cho biết, năm nay gia đình trồng 2 ha mía nước. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới thu hoạch được 5 công (mỗi công 1.000m2), còn 15 công chưa kịp thu hoạch, nếu 15 ngày tới mà không thu hoạch xong diện tích mía còn lại, thì khả năng phải đốn bỏ để chuẩn bị cho vụ trồng mới là rất cao, vụ này chị bị lỗ cả trăm triệu đồng. Theo chị Giang, năm nay do ảnh hưởng của hạn mặn và Covid-19 nên việc thu mua mía của thương lái rất chậm, nhiều nơi thương lái thu mua mía nhưng lại ép giá người dân, nên nhiều hộ phải “bấm bụng” chịu lỗ mà thu hoạch cho xong để có được chút đồng vốn còn đỡ hơn phải thuê thêm nhân công để đốn mía bỏ.

    Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, niên vụ mía năm nay trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tình hình xuống giống mía cho niên vụ mới cũng tương đối chậm do nguồn nước ngọt còn khan hiếm. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành nông nghiệp huyện thì trước ảnh hưởng của tình hình thời tiết cực đoan và giá cả bấp bênh, cùng với việc tiêu thụ khó khăn nên kế hoạch xuống giống khoảng 3.500 ha mía niên vụ 2020-2021 sẽ khó đạt.

    Cây mía trước đây được xem là cây kinh tế, cứu cánh cho nông dân xứ Cù Lao Dung, nhờ hiệu quả kinh tế khi diện tích lúc cao điểm lên trên 8.000 ha mỗi niên vụ. Giờ đây, cây trồng này lại trở thành “gánh nặng” với đa phần người nông dân xứ cù lao, diện tích giảm nhanh khi toàn huyện hiện chỉ còn khoảng 3.500 ha mía trong mỗi vụ, dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm xuống nhanh trong các niên vụ tới. Những diện tích gắn với cây mía trước đây đã được nông dân chuyển sang nuôi tôm, trồng cây ăn trái…

    Tuy nhiên, không phải hộ trồng mía nào muốn chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác là được và dễ dàng. Bởi vì sau nhiều năm thất bại, nợ nần đã đeo cùng người dân, ngay cả vốn liếng để đầu tư cho giống mía mới, người nông dân cũng không còn khả năng. Nên giờ bỏ mía thì không có vốn để chuyển đổi, nếu tiếp tục bám trụ cùng cây mía thì cũng không hề khả quan, khi mà thời tiết ngày càng cực đoan, giá cả thì bấp bênh, năng suất mía ngày càng giảm. Vấn đề này đang rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng.

Chanh Đa



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 69
  • Hôm nay: 7490
  • Trong tuần: 78,197
  • Tất cả: 11,801,517